​QUAN HỆ  VIỆT NAM – XINH-GA-PO:

1.  Về chính trị:

Việt Nam và Xinh-ga-po thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 01/8/1973. Tháng 12/1991, Đại sứ quán Việt Nam tại Xinh-ga-po và tháng 9/1992, Đại sứ quán Xinh-ga-po tại Hà Nội được thành lập.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm chính thức Xinh-ga-po (16 – 17/1/1978) và hai bên ra Tuyên bố chung khẳng định những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ hai nước.

Từ năm 1991, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia ASEAN tháng 7/1995, quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Xinh-ga-po rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về hợp tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Xinh-ga-po ở Đông Nam Á.

Trong chuyến thăm Xinh-ga-po của Thủ tướng Phan Văn Khải (3/2004), hai bên đã ký "Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21". Hai bên cũng đã chính thức thiết lập quan hệ Đảng cầm quyền (Đảng PAP và Đảng Cộng sản Việt Nam)

- Các chuyến thăm Xinh-ga-po gần đây của các nhà lãnh đạo cấp cao ta:

+ Tổng Bí thư Đỗ Mười (10/1993)

+ Chủ tịch Trần Đức Lương (4/1998)

+ Thủ tướng Võ Văn Kiệt  (11/1991) và (5/1994)

+ Thủ tướng Phan Văn Khải

+ Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (9/1995)

+ Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An (12/2003)

+ Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc và ký kết Hiệp định khung về kết nối Việt Nam – Xinh-ga-po (5 – 7/12/2005).

- Các chuyến thăm Việt Nam gần đây của các nhà lãnh đạo cấp cao của Xinh-ga-po:

+ Tổng thống S R Na-than (2/2001)

+ Thủ tướng Gô Chốc Tông (3/1994; 12/1998 và 3/2003)

+ Thủ tướng Lý Hiển Long thăm Việt Nam với tư cách Phó Thủ tướng (4/2000), dự Hội nghị ASEM 5 (10/2004), thăm chính thức (6-7/12/2004), dự lễ kỷ niệm 10 năm VSIP (9/2006), dự Hội nghị APEC 14 (11/2006).

+ Bộ trưởng cao cấp Lý Quang Diệu (4/1992, 11/1993, 3/1995 , 11/1997 và 1/2007)

2.  Về các lĩnh vực hợp tác cụ thể:

- Thương mại - đầu tư: Từ 1996 đến nay, Xinh-ga-po luôn là một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch hai chiều năm 2003 đạt 3,9 tỷ USD; năm 2004 đạt 4,9 tỷ USD; năm 2005 đạt hơn 4,6 tỷ USD (Việt Nam xuất 1,3 tỷ USD, nhập 3,3 tỷ USD); năm 2005 đạt 6,4 tỷ USD; năm 2006 ước đạt 7,7 tỷ USD (Việt Nam xuất 1,5 tỷ USD, nhập 6,2 tỷ USD).

+ Tính đến tháng 2/2007, Xinh-ga-po có 459 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với số vốn đăng ký 8,3 tỷ USD, vốn thực hiện 3,8 tỷ USD.

- Về đàm phán gia nhập WTO: Xinh-ga-po ủng hộ Việt Nam và hai bên kết thúc đàm phán song phương nhân dịp chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Lý Hiển Long tới Việt Nam (06/12/2004).

- Sáng kiến kết nối Việt Nam – Xinh-ga-po: Trong chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Xinh-ga-po (3/2004), hai Thủ tướng đã nhất trí thực hiện sáng kiến kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Xinh-ga-po. Đây là một chương trình hợp tác toàn diện, hướng tới mục tiêu gắn kết các khâu sản xuất, thương mại, đầu tư, tiêu dùng của Việt Nam với Xinh-ga-po để tạo ra sự bổ trợ, kết hợp hai nền kinh tế, tạo một môi trường chính sách thuận lợi và định hướng khung để doanh nghiệp hai nước hợp tác, phát huy hiệu quả cao nhất các mối quan hệ hợp tác song phương cũng như với nước thứ ba. Sau đó, thủ tướng hai nước đã nhất trí 6 lĩnh vực kết nối: (i) tài chính, (ii) đầu tư, (iii) thương mại – dịch vụ, (iv) giao thông vận tải, (v) bưu chính viễn thông – công nghệ thông tin, (vi) giáo dục đào tạo.

Ngày 06/12/2005, hai nước đã ký chính thức Hiệp định khung về kết nối Việt Nam – Xinh-ga-po và 6 phụ lục kết nối kèm theo.

- Quan hệ giáo dục và văn hoá ngày càng được tăng cường và mở rộng. Xinh-ga-po tích cực hợp tác giúp đỡ Việt Nam trong các lĩnh vực như: khoa học, kỹ thuật, phát triển nhân lực, tài chính, du lịch, ngân hàng, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về kinh tế thị trường, hội nhập khu vực và quốc tế.

+ Từ 2000, hàng năm, Xinh-ga-po cung cấp cho ta khoảng từ 150 - 200 học bổng các loại (dài hạn, ngắn hạn) về đào tạo tiếng Anh, chuyên ngành. Ngoài ra, số đi học tự túc tại Xinh-ga-po cũng ngày càng tăng.

+ Tháng 4/2007, hai nước ký Bản Ghi nhớ về hợp tác giáo dục.

3/ Các cơ chế hợp tác giữa hai nước:

- Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Xinh-ga-po được thành lập ngày 5/5/1993. Ủy ban đã họp được 6 phiên (1993, 1994, 1995, 1997, 1999 và 2003). Năm 2003, Ủy ban đã thành lập Ban Điều hành chung Việt Nam – Xinh-ga-po trong lĩnh vực đầu tư.

- Cơ chế tham khảo chính trị thường niên cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Ngoại giao thảo luận các hợp tác song phương và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Bắt đầu từ năm 2003, Bộ Ngoại giao hai nước luân phiên tổ chức 4 cuộc tham khảo (2003, 2004, 2005 và 6/2007)

(Tháng 7/ 2007 )

​​

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​